Sữa mẹ giúp phát triển não bộ trẻ sơ sinh đẻ non

Theo kết quả nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hội Hàn lâm Nhi khoa ở Baltimore-Mỹ và được công bố trên trang web Eurekarlet cho thấy những trẻ sơ sinh đẻ non trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ có ít nhất 50% sữa mẹ sẽ giúp não phát triển tốt hơn so với trẻ đẻ non khác.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Washington-Mỹ đã theo dõi 77 trẻ đẻ non trong năm đầu tiên của trẻ để theo dõi trẻ phát triển như thế nào nhất là phát triển vận động, nhận thức, giao tiếp thông qua chụp IRM não (Imagerie par résonance magnétique- kỹ thuật chụp cộng hưởng từ ). Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích xem sữa mẹ có hay không đến sự phát triển não bộ của trẻ. Họ đã nhận thấy rằng ở những trẻ đẻ non mà trong khẩu phần ăn hàng ngày có ít nhất 50% sữa mẹ có sự phát triển mô não, vỏ não hơn những trẻ đẻ non ít hoặc không bú sữa mẹ nếu so sánh cùng lứa tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy sữa mẹ góp phần cải thiện chức năng nhận thức nhờ vào sự phát triển của não bộ.

Sua-me-giup-phat-trien-nao-bo-tre-so-sinh-de-non

Theo Cynthia Rogers Giáo sư về Tâm thần học tại Bệnh viện St. Louis giải thích “Nói chung não bộ ở trẻ đẻ non không được phát triển đầy đủ, hoàn chỉnh”. Nhờ kỹ thuật IRM các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những trẻ sơ sinh được bú nhiều sữa mẹ giúp phát triển não bộ. Điều này là quan trọng vì nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa khối lượng não và phát triển nhận thức.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sữa mẹ giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng, các bệnh viêm phổi, tiêu chảy… do trong sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng và các kháng thể.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có những nghiên cứu tiếp tục trong nhiều năm vì não bộ sẽ phát triển hoàn thiện đến năm 20 tuổi. Sự theo dõi trong thời gian dài cho phép nghiên cứu những phát triển về vận động, nhận thức và giao tiếp xã hội ở những trẻ này. Ngoài ra cần có các nghiên cứu bổ sung để biết những tác dụng này có tương tự như trẻ sinh đủ tháng.

Nuôi con bằng sữa mẹ trong những năm đầu đời luôn là quãng thời gian tràn ngập tình yêu thương và rất nhiều kỷ niệm đẹp giữa mẹ và bé!

Bs Ái Thủy

(theo Top Sante)

Ối nhiều tốt hay xấu?

Trên đời này, cái gì “quá” đều không tốt! Ví dụ, trở lại câu chuyện nước ối, kỳ trước trên SK&ĐS số 113 ra ngày 15/7/2016 bạn đã đọc bài “Băn khoăn... ối ít” rồi và đã hiểu, còn lỡ quá nhiều thì sao?...

Khi thể tích nước ối trên 2.000ml, bạn được xếp vào hàng “khá giả” - dư ối, hạn hữu, trên 3.000ml, bạn được gọi là “khá bất thường” - đa ối. Cứ 1.000 bà mẹ mang thai, có 10 người dư ối, trong số 10 người đó, có 8 người chỉ tăng mức độ nhẹ, 1,5 người (tại con số thống kê nó vậy chứ không có tình trạng 1 người mà nửa bình thường - nửa bất thường nhá) tăng trung bình và 0,5 người tăng quá nhiều (mức độ nặng).

Nước ối từ đâu mà ra?

Trong nửa đầu thai kỳ, nước ối được tạo thành từ da thai nhi và một phần từ máu mẹ. Nguồn quan trọng hơn là từ chính em bé, khoảng sau tuần thứ 20 trở đi. Lúc này, bé biết nuốt, biết đi tiểu và những hoạt động này giúp điều hòa nước ối. Nghe ghê thiệt, vừa tự tiểu, vừa tự uống trong một cái “bể bơi cá nhân” - nhưng không sao đâu, tại cái bể này được bao bọc và bảo vệ bởi màng ối nên không có con vi trùng nào chui vào, nước đảm bảo “vô trùng và ngon lành”. Nếu cái quy trình tự điều hòa này hỏng hóc đâu đó, ví dụ như không nuốt mà tiểu nhiều, thì dư. Chỉ riêng trường hợp mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường kèm theo đa ối là khó giải thích. Dễ hiểu nhất là mẹ đường huyết tăng cao làm đường trong máu con cũng tăng, khi đường máu tăng người ta đi tiểu nhiều, nên nước ối cũng nhiều. Nghe nó “đơn sơ” vậy đó mà thật sự là vậy.

nhieu oiSiêu âm để phát hiện những bất thường về nước ối khi mang thai.

Làm sao biết mình bị nhiều nước ối quá?

Dễ thấy nhất là bụng quá to so với những thai phụ cùng tuổi thai. Không tính những bà mẹ chưa đọc bài dinh dưỡng trong thai kỳ, ráng ăn cho thiệt nhiều làm tăng cân quá mức, nếu thấy bụng to nhanh, khó thở... thì nên kiểm tra ối. Trong một số trường hợp nặng, bà mẹ nhiều khi phải nằm đầu cao hay phải ngồi mới ngủ được. Lúc này nên gặp bác sĩ khám thai sớm rồi! Thông tin này bổ sung không mang ý hù dọa, nhưng cũng có trường hợp được báo cáo là vỡ tử cung do đa ối nặng - cực hiếm. Nếu có nguy cơ nào đi kèm như đa thai, từng mổ trên tử cung... bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình về lịch theo dõi thai định kỳ cũng như dự phòng khả năng mổ lấy thai sớm.

Làm sao để chẩn đoán?

Đo ối bằng siêu âm (cách đo AFI). Còn nếu nhiều ối mà chưa thấy bác sĩ khám thai tầm soát tiểu đường thì tham vấn thêm ý kiến bác sĩ. Thật ra thì tầm soát tiểu đường là việc nên làm nhưng không phải bắt buộc. Tìm hiểu thông tin là tốt, tuy nhiên y khoa không có gì tuyệt đối. Hôm nay, phương pháp điều trị đó còn được xem là “đầu tay” thì ngày mai nó thành “cuối tay” là bình thường. Vì vậy, mình không hề khuyến khích bạn phải thế này - phải thế kia, làm bác sĩ đang khám cho mình “bối rối”. Khi mình bị bối rối vì bệnh nhân hỏi sao không làm giống bác sĩ này, bác sĩ nọ, mình buồn mất mấy ngày. Nhiều khi không giải thích được đâu! Nên nhớ nhé, “hỏi ý kiến” thôi nhé.

Thai bị ảnh hưởng như thế nào khi nhiều nước ối?

Về phía thai: nguy cơ thai bất thường nhiễm sắc thể, nhau bong non, tăng hồng cầu...

Về phía mẹ: tiểu đường thai kỳ, băng huyết sau sinh, đi tiểu nhiều lần (do tử cung to quá chèn ép bàng quang)... Hai yếu tố ngại nhất là phải mổ lấy thai và mẹ bị tiểu đường.

Điều trị như thế nào?

Rất may là hầu hết những trường hợp tăng mức độ nhẹ và trung bình thì không cần điều trị. Nếu có ối vỡ thì tùy tuổi thai và tình trạng thai bác sĩ sẽ chọn mổ lấy thai hay theo dõi cho bạn sinh tự nhiên. Những phương pháp như nằm nghỉ tuyệt đối, sử dụng thuốc lợi tiểu, giảm muối trong chế độ ăn hoàn toàn không có hiệu quả điều trị tin cậy.

Nếu khó thở nhiều, đau bụng, bạn đến bệnh viện ngay để được theo dõi.

Chọc ối: để điều trị những trường hợp nặng. Dùng kim chọc xuyên qua bụng để rút bớt ối. Kỹ thuật này thực hiện tại bệnh viện.

Điều trị bằng thuốc: thuốc tên là indomethacin. Cách dùng và liều dùng: để dành cho bác sĩ. Nếu bạn quan tâm, mình sẽ trả lời riêng. Lý do: không muốn để bệnh nhân của mình loạn thông tin.

Chúc bạn một ngày “vừa đủ” - vừa đủ vui, vừa đủ yên bình!

BS. Lê Tiểu My

((Bệnh viện Mỹ Đức))